Đào Duy Hứa - người luôn gắn chữ Tâm vào công việc

Tốt nghiệp khoa Vô tuyến Điện tử, chuyên ngành truyền hình, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1975, kỹ sư Đào Duy Hứa về công tác tại Đài TNVN vào đúng thời điểm thống nhất đất nước. Nhận nhiệm vụ tại Đài phát sóng CK2 cách Hà Nội 40 km, một công xưởng lớn về phát thanh sóng cực ngắn, sóng ngắn, ông coi đây là môi trường thuận lợi để trải nghiệm nghề nghiệp cũng như cuộc sống.
Là kỹ sư trẻ, ông luôn suy nghĩ phải làm được gì đó để phục vụ đất nước, phục vụ ngành phát thanh. Đào Duy Hứa sớm bắt tay vào công việc. Ông gần gũi với anh em công nhân, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kiến thức thực tế, không ngại khó khăn vất vả để hoàn thành công việc. Ông đã nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến và được ứng dụng thành công. Một công việc hồi đó được cấp trên đánh giá cao đó là thực hiện phát sóng nguyên bản nội dung Báo Nhân Dân vào miền Nam để nhà in phát hành kịp thời với Hà Nội thông qua máy phát sóng ngắn công suất 25 KW.
Được cấp trên động viên khuyến khích, và trong giai đoạn Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận, kinh tế khó khăn ông đã có thêm nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ông mạnh dạn thay thế mạch điện, vật tư linh kiện, đèn điện tử đắt tiền của máy phát sóng bằng một phương pháp khác với chi phí thấp nhưng hiệu quả. Sáng kiến này của ông được Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 bằng lao động sáng tạo giai đoạn 1990- 1993.
Mặc dù công việc bận rộn, nhưng ông vẫn luôn ý thức dành thời gian học tập nâng cao kiến thức. Ông tham gia học Quản lý kinh tế, hoàn thành khóa đào tạo cao học, học thêm ngành Luật. Tất cả những kiến thức đó đã giúp ông xử lý các công việc ở Đài mau lẹ và chắc chắn.
Là người làm về mảng kỹ thuật, nhưng ông đã được lãnh đạo Đài tin tưởng đặt vào vị trí Trưởng ban Tổ chức Cán bộ. Ông tâm sự đây là một công việc khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau từ tham mưu cho lãnh đạo Đài về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng phát triển cán bộ, rồi giải quyết chế độ chính sách của hàng nghìn nhân viên trong Đài. Nếu không giải quyết thấu đáo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Đài.
Nếu kỹ thuật là những phương án tính toán số học đơn thuần thì phụ trách nhân sự của Đài, công việc này lại còn đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm khác. Theo ông người cán bộ làm công việc này cần phải có tầm, thành thạo và tận tuỵ với công việc, nhưng điều quan trọng hơn cả phải là người có tâm.
Ông là một trong những Phó Tổng Giám đốc được giao phụ trách nhiều mảng công việc khác nhau trước tiên là kỹ thuật, sau đến nội chính, tài chính, rồi sau nữa là phụ trách nội dung và cả Hợp tác quốc tế. Ở bất kỳ vị trí nào ông cũng để lại những dấu ấn của mình. Bộ phận kỹ thuật dưới thời kỳ ông phụ trách đã có những bước tiến vượt bậc, toàn bộ hệ thống sản xuất chương trình phát thanh được áp dụng theo công nghệ mới kỹ thuật số, phòng thu thiết bị âm thanh hiện đại, 100% phóng viên, biên tập viên đã được làm việc trên máy tính, mạng phát sóng FM phát triển mạnh khắp cả nước. Ông cũng là người tiên phong cho thử nghiệm chuẩn phát thanh số HD Radio FM/AM và chuẩn DAB+, DMB.
Ông cũng là người đóng góp rất nhiều công sức trong việc xây dựng Trung tâm phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, sát sao đôn đốc bên thi công, các nhà thầu để kịp tiến độ và tiết kiệm chi phí ở mức tối đa. Trong thời gian ông kiêm nhiệm phụ trách nội dung tuyên truyền đã không xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. Anh em đồng nghiệp trong Đài còn nói với nhau rằng ông áp dụng tư duy kỹ thuật sang lĩnh vực tuyên truyền nên giao ban ngắn gọn, nội dung rõ ràng, các hệ, các đơn vị liên quan dễ dàng triển khai.
Còn trong lĩnh vực đối ngoại, Đào Duy Hứa được bạn bè đồng nghiệp quốc tế nhớ đến là người luôn niềm nở, nhanh nhẹn, trọng thị, quan tâm đến mọi người. Hội nghị Truyền thông Cấp cao châu Á AMS8 do Đài TNVN đăng cai năm 2011 đã cho thấy Đào Duy Hứa còn có thế mạnh trong công tác đối ngoại. Khách quốc tế nhớ đến VOV bởi sự thành công rực rỡ của hội nghị, bởi các thủ tục lễ tân, hậu cần được thực hiện thuần thục, bởi sự hiếu khách của chủ nhà VOV mà người chỉ đạo tổ chức thực hiện là Phó Tổng Giám đốc Đào Duy Hứa.
Nhiều lần tháp tùng ông đi công tác nước ngoài, tôi cảm nhận rõ sự trăn trở của một lãnh đạo cho sự phát triển của Đài. Một mặt, ông tìm hiểu sâu về cách vận hành bộ máy, cách quản lý nhân sự và tài chính của các đài bạn nhưng bên cạnh đó ông còn quan sát, học hỏi những chi tiết rất nhỏ của phía bạn từ cách bạn bố trí quầy lễ tân đón khách, cách bố trí thiết bị nơi làm việc, cách lắp đặt âm thanh ánh sáng trong phòng thu…
Ông luôn có ý thức áp dụng những gì thu hoạch được ở mỗi chuyến đi đó cho Đài TNVN. Mặc dù là người giải quyết công việc theo nguyên tắc nhưng Đào Duy Hứa lại là người rất tình cảm. Tiếp xúc xử lý công việc hàng ngày, tôi cảm nhận rằng ông rất chú ý phát triển thế hệ trẻ, ông quan tâm, chăm chút cho tương lai của Đài.
Hình ảnh một lãnh đạo Đài như ông sẽ đọng lại trong tôi như một kỷ niệm đẹp và tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là năm 2009, khi tôi được bổ nhiệm là Trưởng đại diện đầu tiên của Đài TNVN tại Mỹ. Kinh nghiệm làm báo tôi chưa tích lũy được nhiều trong khi phải tác nghiệp tại một môi trường rộng lớn, nhạy cảm và hoàn toàn mới. Ông tận tình chỉ bảo tôi nhiều điều, ông chia sẻ những băn khoăn và luôn động viên tôi lên đường làm nhiệm vụ, căn dặn công việc của người đi đầu sẽ khó khăn vất vả nhưng tin tưởng tôi sẽ vượt qua và làm tốt công việc. Với tôi, lúc đó ông không đơn thuần là một Phó Tổng Giám đốc mà còn thân thiện như người trong nhà. Tôi nể phục ông, một nhà tổ chức có Tâm và có Tầm.
Trong suốt gần 36 năm làm việc tại Đài TNVN, Đào Duy Hứa luôn tạo được môi trường làm việc có sự đoàn kết, đồng thuận. Ông biết lắng nghe và điều chỉnh mình để hoàn thành nhiệm vụ. Dù bất kỳ ở cương vị nào, từ khi là kĩ sư, giám đốc Đài CK2, Mễ Trì, Trưởng ban Tổ chức cán bộ đến Phó Tổng Giám đốc Đào Duy Hứa là con người có trách nhiệm, nhiệt tình, sâu sát, năng nổ, uy tín, công tâm nhưng cũng rất cởi mở và tình cảm.
Hơn ba thập kỷ công tác ở Đài TNVN, ông cống hiến hết mình, cháy hết mình, ghi nhận quá trình cống hiến đó của ông, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Ông tâm sự đến ngày nghỉ hưu thấy lòng mình thanh thản, thoải mái, nhẹ nhàng gỡ biển chức danh tại phòng làm việc như một công việc cuối cùng của ông trước khi rời nhiệm sở, một việc tuy nhỏ nhưng thực hiện không hề đơn giản chút nào. Cho dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn dõi theo từng sự kiện, từng bước phát triển của Đài TNVN./.